Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023
Ngày 21/3/2023 tại Hà Nội, Viện Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phối hợp với Văn phòng Bộ Y tế, Tổ chức PATH tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội nghị.
Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ Y tế; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư; Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ; UBND tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai; Đại biểu Sở Y tế, CDC của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc; các tổ chức trong và ngoài nước tham gia công tác phòng chống sốt rét và hỗ trợ tài chính, nguồn lực như WHO, CHAI, PATH, Quỹ Toàn cầu, Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation…
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương trao Chứng nhận loại trừ sốt rét cho hai tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2022 Việt Nam có 455 bệnh nhân sốt rét, 01 bệnh nhân tử vong, không có dịch sốt rét và 42 tỉnh/thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 6,8 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên…
Về hoạt động phòng, chống các bệnh ký sinh trùng tại Việt Nam, trong năm 2022, có hơn 12,8 triệu lượt trẻ 24 - 60 tháng tuổi, học sinh tiểu học và phụ nữ tuổi sinh sản đã được tẩy giun. Các chiến dịch tẩy giun do các tỉnh tiến hành diễn ra an toàn và đạt được độ bao phủ 95-98%. Bệnh giun, sán phân bố không đồng đều phụ thuộc vào điều kiện khí hậu các vùng sinh thái khác nhau, tập quán sinh hoạt, thói quen ăn uống không đảm bảo.
Năm 2022, toàn quốc có trên 360.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và hơn 100 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã thực hiện giám sát muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại 57 điểm thuộc 12 tỉnh, trong đó muỗi Ae. aegypti phát hiện tại 5 tỉnh, muỗi Ae. albopictus phát hiện tại 12 tỉnh. Muỗi Ae. aegypti ở hầu hết các điểm điều tra đã có thể kháng và kháng với deltamethrin, permethrin. Muỗi Ae. albopictus ở hầu hết các điểm điều tra còn nhạy với deltamethrin, permethrin. Kết quả giám sát cho thấy có sự thay đổi tập tính của muỗi truyền bệnh sốt rét chuyển sang hoạt động đốt máu ngoài nhà, muỗi truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có hiện tượng kháng với hóa chất diệt côn trùng.
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, Cục Y tế dự phòng, 3 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, lãnh đạo cơ quan Y tế các Bộ/ngành và các đơn vị của Bộ Y tế thực hiện một số việc sau:
1. Tổng kết, đánh giá 30 năm chương trình phòng, chống sốt rét 1992 - 2022, đánh giá thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011; xây dựng kế hoạch phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện;
2. Rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn phù hợp với tình hình bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, côn trùng hiện nay, trình Bộ Y tế ban hành. Tiến hành các nghiên cứu khoa học để có bằng chứng cho lập kế hoạch và can thiệp hiệu quả; Nghiên cứu áp dụng các mô hình mới, hiệu quả, đặc biệt là các mô hình áp dụng vào các khu vực khó khăn, xa xôi hẻo lánh,… để hoàn thành chặng đường cuối cùng loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam;
3. Các tỉnh, thành phố rà soát bố trí nhân lực để bảo đảm cho hoạt động phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện;
4. Đối với các tỉnh là điểm nóng về bệnh sốt rét: Lập kế hoạch và tập trung biện pháp can thiệp mạnh tại các tỉnh, các huyện, các xã trọng điểm sốt rét để loại trừ sốt rét; Giám sát chặt chẽ vùng có dân di biến động; Tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét; Tăng cường đào tạo, tập huấn cho lực lượng y tế cơ sở về chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh nhân sốt rét, nhất là sốt rét ngoại nhập; Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân chủ động bảo vệ cá nhân, gia đình và cộng đồng;
5. Đối với các tỉnh, thành phố đã đạt tiêu chí loại trừ sốt rét: Không chủ quan, lơ là, cần xây dựng kế hoạch để đuy trì thành quả bền vững và phòng sốt rét quay trở lại; Tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát chủ động, đặc biệt đối với dân di biến động, giao lưu biên giới, người lao động từ Châu Phi về;
6. Rà soát bố trí nhân lực để bảo đảm cho hoạt động phòng, chống sốt rét, kýí sinh trùng và côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện; Để đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống sốt rét đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp;
7. Về công tác phòng, chống các bệnh ký sinh trùng: Tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng, chống nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tác hại của bệnh ký sinh trùng đặc biệt là đối với những nhóm đối tượng nhạy cảm với tác hại của bệnh như: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh sản. Nghiên cứu, phát triển các biện pháp chẩn đoán, điều trị có hiệu quả các bệnh kí sinh trùng;
8. Các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật để công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét, phòng, chống bệnh ký sinh trùng và côn trùng ở Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra;
9. Đối với Cục Y tế dự phòng, Vụ Kế hoạch tài chính và các Vụ/ Cục liên quan của Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ của mình quan tâm chỉ đạo, huy động nguồn lực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị và địa phương để thực hiện tốt chương trình phòng, chống và loại trừ sốt rét cũng như các bệnh về ký sinh trùng và côn trùng.
Quang cảnh hội nghị
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu tham dự
Tại hội nghị, các tổ chức quốc tế đã chia sẻ một số đề xuất để thúc đẩy loại trừ sốt rét tại Việt Nam như tăng cường vận động chính sách để duy trì đầu tư, đảm bảo tài chính bền vững cho hoạt động phòng, chống, loại trừ và đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại; nghe tham luận của Ban điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu Việt Nam (CCM Việt Nam) về vận động chính sách, quan tâm chỉ đạo liên ngành và đảm bảo tính bền vững trong phòng, chống sốt rét, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư quốc tế và trao chứng nhận loại trừ sốt rét cho 2 tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình./.
Nguồn:https://moh.gov.vn/ Copy link